Người Việt Odessa
Kinh doanh

Đại gia Thái tăng sở hữu tổ hợp hóa dầu 4,5 tỷ đôla ở Vũng Tàu

Thứ bảy, 29/04/2017 | 01:09
Số cổ phần mà SCG nắm giữ tại dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đã lên đến 71% sau khi nhận chuyển nhượng từ đối tác Qatar.

Cuối tháng qua, Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI), đơn vị từng giữ phần góp vốn lớn trong liên doanh Hóa dầu Long Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn lại cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan. Sau khi mua lại, vốn góp của SCG tại dự án này tăng từ 46% lên 71%. 29% còn lại thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

"Chúng tôi đã tăng mức đầu tư lên 71% trong dự án Hóa dầu Long Sơn. Dự án tọa lạc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với vị trí gần TP HCM và mức tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn. Hiện, tập đoàn đang bước vào giai đoạn cuối của quyết định đầu tư tài chính với đối tác Việt Nam. Thời gian xây dựng dự kiến là 5 năm và ước tính khu phức hợp sẽ hoạt động thương mại vào năm 2022”, ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành SCG cho biết.

Đại gia Thái tăng sở hữu tổ hợp hóa dầu 4,5 tỷ đôla ở Vũng Tàu

Ông Roongrote cho biết đã theo đuổi dự án nhiều năm qua và cam kết sẽ tham gia vào dự án.

Được cấp phép lần đầu năm 2008, dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trải qua khá nhiều thăng trầm trong việc tìm kiếm nhà đầu tư. Hàng loạt tên tuổi lớn từng tham gia rồi lại quyết định ra đi, như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) rút lui năm 2012, và mới nhất là Qatar Petroleum International.

Tổ hợp hóa dầu 4,5 tỷ đôla được Bộ Công Thương đánh giá là công trình trọng điểm, là tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lên đến 1,6 triệu tấn olefin mỗi năm.

Với tổng diện tích 464 hécta, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại. Tổ hợp này cũng sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước khoảng 115 triệu đôla mỗi năm (khoảng 2.500 tỷ đồng) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.

Việc SGC trở thành đối tác góp vốn lớn nhất của dự án không quá bất ngờ khi tập đoàn này liên tục có động thái mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian gần đây. SCG cũng vừa mua lại Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VCM), nhà sản xuất xi măng tích hợp với công suất 3,1 triệu tấn một năm tại tỉnh Quảng Bình. Trong lĩnh vực bao bì, Công ty giấy Vina Kraft thuộc tập đoàn cũng vừa hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền sản xuất mới để mở rộng công suất lên 500.000 tấn bao bì mỗi năm, giữ vị thế là nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam.

Quý I vừa qua, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản gần 32.300 tỷ đồng, tăng 72% so với năm trước. Tập đoàn báo cáo doanh thu bán hàng quý I đạt hơn 4.300  tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.

Viễn Thông - vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN