Người Việt Odessa
Tin thế giới

Trận chiến cam go chống IS của Philippines

Thứ ba, 27/06/2017 | 11:08
Cuộc chiến chống IS ở Philippines gây ra thương vong lớn và khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

IS hoành hành ở Philippines. Video: CNN

Vào mùa mưa ở đảo Mindanao, nam Philippines, các cơn bão được báo trước bằng những tia chớp trên các ngọn cây. Trời sau đó mưa như trút nước nhưng tạnh rất đột ngột.

Trong khi những cơn mưa đến rồi đi, dòng người bị thương được đưa vào bệnh viện quân sự ở phía bắc hòn đảo thì không. Hai chiếc xe cứu thương chạy vào bệnh viện tại trại Evangelista ở Cagayan de Oro, đưa vào thêm 10 lính bị thương trong cuộc nổi loạn đẫm máu, kéo dài do các chiến binh có liên quan đến IS gây ra, theo CNN.

"Chúng tôi đã nhận khoảng 330 người bị thương kể từ ngày thứ hai của cuộc khủng hoảng này", trung tá Jonna Dalaguit, lãnh đạo cơ sở, nói. Đó là số liệu tồi tệ nhất mà bà từng thấy.

Tình cảnh này đã diễn ra trong một tháng, kể từ khi các chiến binh liên kết với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công thành phố Marawi ở Mindanao, chiếm các tòa nhà chính phủ quan trọng, đốt nhà thờ và trường học.

Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) sau đó dần kiểm soát trở lại các phần trong thành phố, nhưng khoảng 100 chiến binh sót lại vẫn bám trụ tại một số điểm. Chiến dịch không kích của chính phủ bị một số người chỉ trích là làm phần lớn thành phố đổ nát.

Quân đội Philippines thả bom chống IS. Video: CNN

'Khôn ngoan hơn'

IS đã giết ít nhất 66 binh sĩ Philippines và làm bị thương hàng trăm người kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Đây là số người thiệt mạng cao nhất trong lịch sử Philippines gần đây.

Trại Evangelista bị quá tải. Khoảng 30 lính không bị thương nặng nằm ở hành lang ngoài trời.

Một người lính bị thương nói rằng các chiến binh giờ có tổ chức và "khôn ngoan hơn" so với những lần chạm trán trước đây. Chúng đã học được chiến thuật chiến đấu đô thị của IS ở Trung Đông.

"Chúng đang sử dụng các chiến thuật từ Iraq và Syria như dùng thiết bị nổ tự chế hay súng phóng lựu", binh sĩ này nói.

Một người lính khác cho biết các chiến binh còn bắt chước cách chiến đấu của AFP và quyết liệt phản công. "Chúng tôi có súng cối thì chúng cũng có súng cối", anh nói. "Và chúng luôn sẵn sàng chết".

Lính Philippines khám xét từng nhà tìm vũ khí. Video: Reuters 

Lôi kéo

Các nhóm cực đoan có vũ trang đã có mặt ở Mindanao - nơi đông người Hồi giáo sinh sống - kể từ những năm 1970. Các nhóm này chia bè kéo phái và có bất đồng lớn với nhau. Chúng thực hiện các vụ đánh bom, bắt cóc và các hành động tàn bạo khác nhưng không có sự tập trung quyền lực.

Mọi chuyện thay đổi với sự trỗi dậy của Isnilon Hapilon, một chỉ huy của nhóm Abu Sayyaf tại Basilan, hòn đảo ở phía nam. Y đã khiến các nhóm hoà giải với nhau.

Trận chiến cam go chống IS của Philippines

Isnilon Hapilon (cầm cờ), chỉ huy nhóm Abu Sayyaf. Ảnh: CNN

Hapilon, kẻ cực đoan tàn khốc ở tuổi 50, đã được thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi chỉ định là "tiểu vương" vùng Đông Nam Á vào năm 2016. Từ đó y tập trung vào việc thống nhất các nhóm cực đoan trong khu vực.

Theo Rommel Banlaoi, một chuyên gia về khủng bố thuộc Tổ chức Giám sát Nghiên cứu về Hoà bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines, chỉ trong vòng vài tháng, y đã lôi kéo được 14 nhóm hoạt động dưới lá cờ đen của IS. Xung đột ở Marawi là lần đầu tiên các lực lượng này kết hợp với nhau để chiến đấu dưới lá cờ IS.

"Tôi nghĩ là chúng ta chưa từng thấy một liên minh có đủ khả năng quân sự để chiếm một thành phố như vậy", Sidney Jones, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách và Phân tích Xung đột có trụ sở tại Indonesia, nói.

Bà nói điều khác biệt nằm ở sự hấp dẫn của hệ tư tưởng IS. "Các nhóm này rất khác biệt nhưng chúng cùng bị thu hút bởi ý tưởng về một quốc gia Hồi giáo duy nhất trên toàn thế giới", bà nói.

Thắt chặt kiểm soát

Mindanao đang trong tình trạng thiết quân luật, càng gần với tâm điểm của bạo lực, các biện pháp kiểm soát càng nghiêm ngặt hơn. Tại một trạm kiểm soát trên đường vào thành phố Iligan, cách Marawi khoảng 40 km, người dân đi bộ và di chuyển bằng phương tiện công cộng phải xếp hàng để vào thành phố.

 Đoàn người đi qua trạm kiểm soát. Video: Reuters

Khi đến lượt, họ sẽ phải xuất trình thẻ căn cước để tiếp tục đi. Nếu họ không có giấy tờ tùy thân (nhiều người đánh mất khi chạy trốn khỏi thành phố) họ phải viết thông tin cá nhân vào sổ. Một người tên Alfie Pitogo nói rằng việc này khá phiền toái nhưng để giữ an ninh thì đó là điều đáng làm.

Quân đội và cảnh sát đang săn tìm các chiến binh và các tù binh vượt ngục. Các tấm áp phích truy nã chúng được treo tại các trạm kiểm soát.

Một người bị kéo ra khỏi hàng và đưa ra trước máy tính xách tay, họ chụp ảnh anh ta và sử dụng phần mềm nhận dạng để so sánh với hàng chục hình ảnh của những kẻ bị truy nã. Không có dấu hiệu trùng khớp nên anh này được đi tiếp.

Chạy trốn

Cuộc khủng hoảng ở Marawi đã buộc gần 350.000 người phải chạy trốn khỏi thành phố và các khu vực xung quanh, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà chính phủ đang phải vật lộn xử lý.

Nhiều người đến ở nhờ nhà người thân và bạn bè bên ngoài thành phố, nhưng hàng nghìn người khác thì phải nhồi nhét trong các trại tạm trú cho những người di tản.

Khu trại cho người di tản ở Philippines. Ảnh: Reuters

Tại trường Nghề cá Quốc gia ở Barangay Buruan, Iligan, một người mẹ trẻ ngồi trên tấm thảm mỏng, ôm đứa con sơ sinh. Em bé sinh ra ở Marawi vào ngày 23/5, khi xung đột nổ ra bên ngoài.

"Trong khi sinh con, tôi có thể nghe thấy tiếng súng", Tarhata Musarip kể.

Cô đặt tên cho con trai là Martial Law (có nghĩa là thiết quân luật), thể hiện sự đồng tình với quyết định của Tổng thống Philippines. "Nó được sinh ra khi chúng tôi sơ tán và sau đó Tổng thống Duterte tuyên bố thiết quân luật", cô nói. "Vì vậy, tôi quyết định đặt tên cho con như thế".

Tại một trung tâm cho người di tản khác ở thị trấn Barangay Maria Christina, Rohayma Macarimbor nói rằng bà đã bỏ chạy khỏi Marawi 30 ngày sau khi xung đột bắt đầu. Người phụ nữ Hồi giáo 55 tuổi này đang trên đường chạy trốn thì gặp một chiếc xe tải chở đầy chiến binh IS. Lo sợ chúng sẽ giết mình, bà cố tránh ánh nhìn của chúng nhưng một trong số đó gọi bà ấy bằng tiếng Arab.

Vì từng làm việc ở Arab Saudi, bà hiểu rằng y đang cố trấn an bà. Y cho bà uống nước, bà nghĩ sẽ bị đầu độc nhưng vì quá khát, bà vẫn uống nó.

Macarimbor nói thời điểm xảy ra cuộc tấn công vào thành phố đặc biệt đáng sợ, vì đó là thời điểm bắt đầu tháng Ramadan (trong tháng này người Hồi giáo nhịn ăn vào ban ngày), nên mọi người đều mong chờ một thời gian yên bình.

Ngày 25/6 là ​​lễ hội Eid, đánh dấu kết thúc tháng Ramadan nhưng những người trong trại không có gì để vui mừng.

"Tôi từng rất mong đến Eid", bà nói. "Tôi thường nấu nhiều món ăn ngon để mừng ngày kết thúc tháng Ramadan, nhưng điều này không xảy ra vào năm nay".

Phương Vũ


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN